Chiến dịch “giải cứu” hơn 6.000 người Do Thái của tình báo Israel

Các đặc vụ Israel hồi những năm 1980 điều hành một khu nghỉ dưỡng sang trọng trên bãi biển ở Sudan để làm vỏ bọc cho hoạt động của họ.

Vào cuối những năm 1970, hàng ngàn người Do Thái Ethiopia bị mắc kẹt trong các trại tị nạn ở Sudan, quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi và có quan hệ thù địch với Israel.
Sứ mệnh tuyệt mật
Một nhóm điệp viên Mossad - cơ quan tình báo Israel - được giao nhiệm vụ tuyệt mật là đưa những người Do Thái đó về quê hương. Những người này thuộc về cộng đồng mang tên "Beta Israel" (Nhà của người Israel) mà nguồn gốc vẫn còn trong màn bí mật. 
Một số người tin rằng họ là dòng dõi của một trong 10 bộ tộc của các vương quốc Do Thái cổ xưa hoặc hậu duệ của những người Do Thái hộ tống người con trai của Nữ hoàng Sheba và Vua Solomon trở về Ethiopia vào khoảng năm 950 trước Công nguyên. Những người khác cho rằng họ bỏ chạy đến đó sau khi đền thờ Do Thái đầu tiên bị phá hủy năm 586 trước Công nguyên.
Toàn bộ điệp viên tham gia sứ mệnh có tên là Chiến dịch Moses này lẫn những người được cứu đều phải giấu kín thân phận của mình. "Đó là một bí mật quốc gia, không ai nói gì về nó. Ngay cả gia đình tôi cũng không biết gì" - ông Gad Shimron, một trong những đặc vụ tham gia chiến dịch, nhớ lại.
Đặc vụ Mossad
Một đặc vụ cao cấp khác kể: "Lúc đó, 2 điệp viên Mossad đến Sudan tìm kiếm những bãi biển có thể đổ bộ được và họ tình cờ bắt gặp một ngôi làng hoang vắng nằm trơ trọi trên bờ biển. Đối với chúng tôi, đó là điều may mắn bất ngờ. Nếu chúng tôi có thể giữ được nơi này và cải tạo thành một ngôi làng phục vụ du khách muốn lặn biển. Đó sẽ là cái cớ để chúng tôi có mặt ở địa phương và tự do đi lại quanh bãi biển.
Những người Do Thái Ethiopia được "giải cứu"
Ngôi làng Arous nói trên nằm ở bờ biển phía Đông Sudan, do các doanh nhân người Ý xây dựng vào năm 1972 với 15 ngôi nhà gỗ, một nhà bếp và một phòng ăn lớn mở cửa hướng về phía biển Đỏ. Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện nước và hạ tầng giao thông khiến khu nghỉ dưỡng này không thể mở cửa hoạt động và bị bỏ hoang.
Sử dụng hộ chiếu giả, một nhóm điệp viên Mossad sắm vai nhân viên của một công ty Thụy Sĩ đến Sudan làm ăn và thuê ngôi làng trong 3 năm với giá 320.000 USD. Họ bỏ ra cả một năm đầu tiên để cải tạo và ký hợp đồng với các nhà cung cấp nước và nhiên liệu. Tất cả trang thiết bị - do Israel sản xuất - đều được đưa lậu vào Sudan để xây dựng khu nghỉ dưỡng lặn biển.
Bốn năm, cứu gần 7.000 người
Các nam điệp viên Mossad đóng vai quản lý khu nghỉ dưỡng còn các nữ đặc vụ đảm nhận công việc hằng ngày để giảm bớt sự nghi ngờ nhằm vào họ. Họ cũng thuê 15 người địa phương và dĩ nhiên là không ai biết rõ danh tính thực sự của điệp viên Mossad hoặc mục đích thật sự của khu nghỉ dưỡng. Khách đến đây rất đa dạng, trong đó có quân nhân Ai Cập, lực lượng đặc nhiệm Anh, nhà ngoại giao nước ngoài và quan chức Sudan.
Chỉ có điều, các vị khách cũng như chính quyền địa phương đều không biết khu nghỉ dưỡng giả này chỉ là bức bình phong che đậy hoạt động của các đặc vụ Mossad trong suốt hơn 4 năm tại Sudan. Máy vô tuyến được giấu bên trong nhà kho đồ lặn để điệp viên sử dụng liên lạc với tổng hành dinh ở Tel Aviv.
Vào ban đêm, các đặc vụ Mossad lại lên đường thực hiện nhiệm vụ, chỉ nói với nhân viên người địa phương rằng họ rời khỏi thị trấn một vài ngày. Các đặc vụ đến điểm hẹn cách TP Gedaref 10 km về phía Nam, nơi những người "Beta Israel" chờ đợi để được đưa đi sơ tán sau khi được lén đưa ra khỏi trại tị nạn. Từ điểm hẹn, đoàn xe chở đám đông người tị nạn trải qua hành trình dài 800 km trong 2 ngày, vượt qua nhiều chốt kiểm soát mới đến nơi những tàu Hải quân Israel đợi sẵn để chở họ về nước. 
Sau 3 chuyến đi như thế, tình báo Israel nhận thấy hoạt động sơ tán bằng đường biển dễ bị lộ nên chuyển sang sử dụng máy bay. Thông qua 28 chuyến bay bí mật, 6.380 người đã được di tản về Israel.
Không may là thông tin về sứ mệnh này bị rò rỉ cho giới truyền thông và báo chí khắp thế giới đồng loạt đưa tin vào ngày 5-1-1985. Khi chính phủ quân sự Sudan lùng sục điệp viên Israel, Mossad ra lệnh cho các đặc vụ rút khỏi khu nghỉ dưỡng Arous và trở về nước vài tháng sau đó. 
Các điệp viên Mossad vội vã “bỏ của chạy lấy người” trong lúc các vị khách vẫn lưu trú ở nơi này.
Buổi sáng, những vị khách thức dậy và chợt nhận thấy đội ngũ nhân viên địa phương còn đó nhưng tất cả người khác, từ quản lý cho đến hướng dẫn viên lặn, đều biến mất. 
Tuy gặp phải trở ngại nhưng trong vòng 5 năm sau đó, nhiều chiến dịch sơ tán tương tự diễn ra, giúp đưa tổng cộng 18.000 người Do Thái Ethiopia đến Israel để bắt đầu cuộc sống mới.
Điều này cũng cho thấy Chính quyền Do Thái rất có trách nhiệm với công dân của họ.
NGÔ TIÊN SINH


Bài khác

>> Điệp vụ Dubai

>> Đòn độc của Mossad: Những vụ ám sát bí ẩn

>> Hé lộ chiến dịch ám sát bí ẩn của Israel

>> Vụ ám sát 'chim ưng thánh chiến' của Mossad

>> Vụ ám sát hoàn hảo của Mossad

>> Tình báo Mossad và những cuộc ám sát thủ lĩnh Hamas

>> Thảm sát Munich và cuộc báo thù của Mossad

>> Các cuộc hạ sát thủ lĩnh Hamas của Mossad

>> Chiến dịch hạ sát thủ lĩnh khủng bố Mughniyah của CIA và Mossad

>> Ai là “tác giả” vụ hạ sát Al-Mabhouh ở Dubai?

>> Cuộc hạ sát tư lệnh vũ trang của phong trào Hamas

>> Các điệp vụ “chặt đầu rắn” của Mossad (phần 1)

>> Ám sát "chuyên gia tên lửa" của Palestines

>> Những cú đấm của Dagan

>> Chiến dịch Entebbe - giải cứu hơn 100 con tin Israel

>> Chiến dịch loại bỏ loại bỏ “nguy cơ hạt nhân Irắc” từ trứng nước

>> Chiến dịch Opera - Phá hủy lò phản ứng hạt nhân

>> Điệp vụ đánh cắp máy bay MiG-21 của Iraq

>> Chiến dịch cướp tàu tên lửa Pháp tại Cherbourg

>> Chiến dịch ORCHARD phá hủy lò phản ứng hạt nhân Al Kibar của Syria

>> Cuộc chiến 6 ngày 1967 (Israel – Arab)

>> Cuộc chiến Yom Kippur1973 (Israel– Arab)

>> Tung đòn hủy diệt, xóa xổ lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq

>> Chiến dịch đánh cắp hệ thống radar của Ai Cập

>> Chiến dịch giải cứu các phi công của Israel

>> Những chiến dịch tìm diệt của Israel

>> Những điệp vụ trong bóng tối

>> Cái chết bí ẩn của một điệp viên cao cấp Nga