Cuộc đào thoát kinh hoàng ở trại Sobibor

Ngày 14-10-1943, một nhóm tù nhân Do Thái ở trại tập trung Sobibor nằm trên đất Ba Lan đã giết chết 11 người - vừa sĩ quan - vừa lính Đức Quốc xã canh giữ họ rồi kéo đổ hàng rào, mở đường cho gần 500 tù nhân khác chạy trốn mà nguyên nhân là trước đó, họ nhận được thông tin rằng ngày 15-10, Đức Quốc xã sẽ san bằng trại đồng thời tiêu diệt tất cả tù nhân nhằm che giấu tội ác diệt chủng.

Chỉ có 53 người sống sót sau cuộc đào thoát kinh hoàng này, và đây cũng là vụ nổi dậy phá trại tập trung bi thảm nhất trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2…
Đường đến cõi chết
Từ một lá thư…
Sáng 21-8-1943, sau khi kéo những hồi còi dài, một đoàn tàu hỏa dừng lại trước nhà ga Sobibor, thị trấn Chelm, Ba Lan. Trên sân ga, lính SS - là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của Đức Quốc xã, áo choàng xám, súng tiểu liên Sten trên tay, dàn hàng ngang chờ đợi. Sau lưng lính SS là 100 tù nhân cũng đang chờ đợi để làm công việc của mình.
Giây lát, cánh cửa từng toa xe nhả ra 2.000 con người, cả đàn ông lẫn đàn bà và trẻ con, mệt mỏi, tả tơi, lếch nhếch lôi theo những vali túi xách. Trước ngực áo và trên ống tay áo, ai cũng có một mảnh vải trắng hình ngôi sao 6 cạnh. Họ là người Do Thái ở Ba Lan, Pháp, Đức, Áo, Bỉ, Hungary, Rumani, Tiệp Khắc, Ukraine…, bị lính Đức lùa vào các điểm tập trung rồi đưa lên tàu, đến trại Sobibor. Theo lệnh của trung tá Gustav Wagner, chỉ huy trại, hành lý của họ phải bỏ lại sân ga với lời hứa: “Khi tới chỗ ở mới, các bạn sẽ được giao trả đầy đủ”.
Trung tá Gustav Wagner và thiếu tá Erich Bauer, 2 hung thần ở trại Sobibor
Sau vài phút, dòng người xếp thành hàng dài, lặng lẽ di chuyển theo lệnh của lính SS. Từ ga Sobibor về trại đường dài 3km và họ phải đi bộ trong lúc ở sân ga, 100 tù nhân xếp hành lý của họ lên những chiếc xe kéo. Lát nữa, tại nhà kho của trại, tù nhân sẽ lục tung những chiếc vali, túi xách ấy. Tất cả những thứ quý giá như dây chuyền, nhẫn, bông tai, vòng cổ, bằng bạc hoặc vàng, sẽ được nộp cho chỉ huy trại để nấu thành thỏi. Còn quần áo, giấy tờ tùy thân và những thứ linh tinh khác thì bị đốt hết.
Mất hơn 1 tiếng, 2.000 người mới về tới trại dưới những họng súng của lính SS. Ở giữa sân, trung tá trưởng trại Gustav Wagner đã đợi sẵn. .Ông ta nói: “Chào các bạn. Bắt đầu từ hôm nay, các bạn sẽ có một cuộc sống mới. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm cho sự an toàn của các bạn, đề phòng bệnh chấy rận, bệnh ghẻ, bệnh sốt phát ban và các loại bệnh có khả năng lây lan khác, các bạn sẽ được tắm rửa, khử trùng trước khi nhận nhà”.
Nói dứt lời, ông ta quay lưng đi về phía khu chỉ huy. Skollenn, một tù nhân may mắn sống sót kể: “Lính SS lần lượt hỏi một số đàn ông, đàn bà còn khỏe mạnh: “Trước kia làm nghề gì?” rồi sau đó, người được hỏi hoặc là đứng riêng một bên, hoặc vẫn đứng yên trong hàng”.
Trong số 2.000 người mới chuyển đến Sobibor, chỉ có 42 người ra đứng riêng. Họ là thợ may, thợ đóng giày, kim hoàn, cơ khí, thợ mộc, thợ xây dựng và thợ ống nước. Số còn lại bị bắt phải cởi hết quần áo, tháo đồng hồ, tháo kính rồi trần truồng bước vào “phòng tắm” số 1, 2, 3 mà thực chất là phòng hơi ngạt. Tất cả đều chết sau 10 phút “tắm rửa, khử trùng”.
Tại kho kiểm tra hành lý, khi tiến hành thu gom những đồ vật quý giá, một tù nhân là Rovka thấy một mảnh giấy viết tay trong túi một chiếc áo khoác. Đọc xong, Rovka nhanh chóng gấp nhỏ, nhét nó vào giày. Đến tối, mảnh giấy được chuyển cho Leon Feldhendler, người Ba Lan gốc Do Thái, lãnh đạo tù nhân trong trại.
Tù nhân Do Thái trên đường về trại Sobibor.
Sau này, khi đã đào thoát khỏi trại Sobibor, Leon Feldhendler cho biết mặc dù mảnh giấy không ký tên nhưng ông tin rằng người viết nói thật bởi lẽ vài tuần trước đó, trưởng trại Gustav Wagner đã ra lệnh cho tù nhân gấp rút xây thêm 3 phòng hơi ngạt nữa. Leon Feldhendler nói: “Trại Sobibor trung bình giam giữ khoảng 2.000 người.Mảnh giấy viết: “Chào các bạn. Chúng tôi sắp được chuyển đến trại Sobibor và chắc chắn chúng tôi sẽ chết. Hôm qua, một người trong số chúng tôi nghe lỏm được câu chuyện giữa hai sĩ quan Đức, rằng sau vài đợt chuyển tù nữa, họ sẽ giết tất cả tù nhân ở Sobibor đồng thời phá hủy trại để xóa dấu vết. Ngày đó dự định là 15-10-1943. Các bạn bằng mọi cách, hãy cố gắng sống sót để tố cáo với thế giới về tội ác diệt chủng”.
Trước tháng 9, cứ sau 1 tuần, 2.000 người ấy vào phòng hơi ngạt thì lập tức có 2.000 người khác được chuyển đến nhưng từ đầu tháng 9 cho tới ngày chúng tôi nổi dậy, lệnh của Gustav Wagner là cứ 4 ngày phải “làm vệ sinh” cho hết 2.000 người. Không đủ hơi ngạt, ông ta dùng những động cơ lớn chạy dầu diesel, ống khói nối thẳng vào phòng nên phải mất hơn nửa tiếng tù nhân mới chết”.
Sobibor – Trại của tử thần
Sau khi chiếm được các quốc gia Tây Âu như Pháp, Bỉ, Áo, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch…, cùng một số quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư, Hungary, Ukraine…, bắt đầu từ năm 1940, theo lệnh Hitler, Đức Quốc xã đã tiến hành xây dựng 16 trại lao động cưỡng bức ở vùng Sobibor trên đất Ba Lan, trong đó có trại Sobibor, nằm cạnh tuyến đường sắt Chem - Wodawa nối với phía tây Ukraine, nơi đã bị quân Đức chiếm đóng. Nhân công gồm 95.000 người Do Thái bị bắt ở Warsaw, Ba Lan và Vienna, Áo.
Khởi đầu, ngoài việc xây dựng nhà cửa, tù nhân trong 16 trại này còn phải làm những công việc như may quần áo, đóng giày, sửa chữa máy móc, phục vụ cho quân đội Đức. Nhưng từ ngày 17-3-1943, trại Sobibor được Đức Quốc xã sử dụng để tiêu diệt người Do Thái bằng cách cho họ vào các phòng hơi ngạt rồi sau đó, xác họ bị đốt thành tro. 
Nhà ga Sobibor, nơi mỗi chuyến xe lửa thả xuống 2.000 tù nhân Do Thái
Leon Feldhendler kể: “Đầu tháng 9, các phòng hơi ngạt quá tải, trung sĩ SS Erich Fuchs ra lệnh cho tù nhân tháo động cơ công suất 200 mã lực của một chiếc xe tăng rồi cho xây một cái bệ lớn bằng bêtông. Động cơ xe tăng đặt trên bệ này, ống khói nối dài ra, đi thẳng vào một phòng kín diện tích 100m2. Sau khi lùa 600 tù nhân vào phòng, đóng chặt cửa, Erich Fuchs đích thân bật công tắc khởi động. Và vì công suất động cơ đã được chỉnh hết mức nên chỉ trong 30 phút, tất cả tù nhân đều chết do ngộ độc khí dioxit carbon. Lúc Fuchs ra lệnh cho chúng tôi mở cửa đưa xác sang lò thiêu, cả 600 thi thể vẫn đứng sát nhau vì không gian quá chật, chẳng còn chỗ để họ ngã xuống…”.
Vẫn theo Leon Feldhendler, đầu tháng 9-1943, trại Sobibor có 600 tù nhân, cả nam lẫn nữ, là thợ lành nghề được trung tá Gustav Wagner, chỉ huy trại “cho phép sống” để làm một số việc trong trại.
Leon Feldhendler nói: “Tù nhân nữ có nhiệm vụ cắt lấy tóc trên các tử thi nữ rồi kết thành từng cuộn. Tóc này sau đó gửi về Đức để làm áo chống đạn. Họ cũng bẻ răng vàng trong miệng tử thi, thu hồi những gọng kính bằng vàng hoặc bạc đồng thời tìm kiếm nữ trang giấu trong quần áo, số còn lại làm việc trong xưởng may. Tù nhân nam một số nấu chảy nữ trang, đúc thành từng thỏi, số khác làm ở xưởng đóng giày, xưởng cơ khí nhưng phần lớn vẫn là lấy xác chết ra khỏi các phòng hơi ngạt, chất lên những chiếc xe goòng, đẩy theo đường ray đến lò thiêu”.
Thiêu xong, tro cốt của họ được đổ xuống những chiếc hố dài 60m, rộng 15m, sâu 7m rồi lấp đất và trồng cây. Cho đến khi chiến tranh kết thúc, 250.000 tù nhân Do Thái đã bị giết ở trại Sobibor.
Âm mưu đào thoát
Ngày 18-9-1943, bên cạnh những chuyến xe lửa dồn dập chở người Do Thái thì còn có các đoàn tàu quân sự chở tù binh Liên Xô bị bắt trong những cuộc giao chiến đến trại Sobibor. Trong số này có trung úy Alexander Pechersky, người Nga gốc Do Thái.
Ngày 22-6-1941, Hitler xua quân xâm lược Liên Xô, Alexander Pechersky khi ấy 31 tuổi, tình nguyện gia nhập Hồng quân. Chỉ hơn 2 tháng sau, Pechersky một mình một súng, lao vào bắn hạ 4 lính Đức khi những tên này đã bắt sống được chỉ huy trung đội ông. Với hành động dũng cảm ấy, Pechersky được thăng hàm trung úy.
Cuối tháng 10-1941, trong một trận đánh ở ngoại ô Moscow, Pechersky bị lính Đức bắt. Tháng 5-1943, Pechersky cùng 4 người bạn đồng ngũ tổ chức trốn nhưng bị bắt lại. Sau đó ông được đưa đến trại tù binh Krechuk nằm ở một khu rừng gần thành phố Minsk. Khi kiểm tra sức khỏe, một y tá Đức Quốc xã phát hiện Pechersky đã cắt da quy đầu (là tập tục truyền thống của người Do Thái) nên hỏi ông: “Mày là Do Thái phải không?”.
Biết có chối cũng vô ích, Pechersky gật đầu. Lập tức, Pechersky bị đưa vào trại lao động khổ sai Minsk. Đến ngày 18-9, Pechersky cùng 2.000 tù binh khác đi trại Sobibor. 1.920 người trong số này bị đẩy vào phòng hơi ngạt ngay sau khi đến nơi. 80 người còn lại - trong đó có Pechersky được cho sống để làm việc.
Sự xuất hiện của nhóm tù binh Xôviết đã tạo ra ấn tượng rất lớn với các tù nhân ở Sobibor. Ngay buổi tối đầu tiên, Pechersky gặp Leon Feldhendler, người lãnh đạo tinh thần của tù nhân trong trại với sự phiên dịch của Solomon Leitman vì Leon không biết tiếng Nga còn Pechersky không nói được tiếng Ba Lan.
Về sau, khi đã đào thoát thành công, Pechersky kể: “Tôi ngồi trên đống gỗ, đối diện với Leon Feldhendler. Tôi hỏi anh ta về ngọn lửa lạ lùng đang cuồn cuộn bốc lên từ những ống khói cách chúng tôi khoảng 500m và về cái mùi rất khó chịu. Leon cho biết họ đang đốt xác những đồng đội tôi mới đến hồi trưa. Tôi không tin nhưng Leon vẫn tiếp tục nói, rằng mỗi ngày đều có 1 chuyến tàu chở 2.000 người mới, tất cả đều bị giết  trong vài giờ. Trại có hơn 500 tù nhân Ba Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Tiệp Khắc gốc Do Thái được cho sống để làm việc, và chúng tôi là những người Do Thái Nga đầu tiên vào đây…”.
Ngày thứ 3 sau khi đến trại Sobibor, Pechersky giành được sự kính trọng của tù nhân khi Pechersky nhận lời thách thức của trung úy Karl Frenzel, sĩ quan SS ở trại. Khi thấy một tù nhân bị Frenzel đánh bằng roi vì chậm chạp trong việc chẻ gỗ làm củi cho lò thiêu, Pechersky lên tiếng phản kháng. Đáp lại, Frenzel nói với Pechersky: “Nếu trong 5 phút, mày chẻ được khúc gỗ ấy ra làm đôi thì tao sẽ cho mày gói thuốc lá. Còn không, mày sẽ bị đánh 25 roi”.
Chỉ 4 phút rưỡi, Pechersky đã chẻ xong khúc gỗ. Nhận gói thuốc lá, Pechersky phân phát cho các tù nhân xung quanh vì “tôi không hút thuốc”. 20 phút sau, Frenzel quay lại, đưa cho Pechersky ổ bánh mì và một miếng bơ nhưng Pechersky lắc đầu: “Cám ơn ngài sĩ quan, khẩu phần của trại là đủ với tôi rồi” mặc dù phần ăn ở trại chỉ là súp loãng nấu với củ cải và muối. Sau này, khi đã thoát khỏi Sobibor, Leon Feldhendler nói: “Với những chuyện ấy, tôi lập tức nhận ra Pechersky là người có thể cùng tôi thực hiện kế hoạch phá trại…”.
NGÔ TIÊN SINH (theo History)

Bài khác

>> Điệp vụ Dubai

>> Đòn độc của Mossad: Những vụ ám sát bí ẩn

>> Hé lộ chiến dịch ám sát bí ẩn của Israel

>> Vụ ám sát 'chim ưng thánh chiến' của Mossad

>> Vụ ám sát hoàn hảo của Mossad

>> Tình báo Mossad và những cuộc ám sát thủ lĩnh Hamas

>> Thảm sát Munich và cuộc báo thù của Mossad

>> Các cuộc hạ sát thủ lĩnh Hamas của Mossad

>> Chiến dịch hạ sát thủ lĩnh khủng bố Mughniyah của CIA và Mossad

>> Ai là “tác giả” vụ hạ sát Al-Mabhouh ở Dubai?

>> Cuộc hạ sát tư lệnh vũ trang của phong trào Hamas

>> Các điệp vụ “chặt đầu rắn” của Mossad (phần 1)

>> Ám sát "chuyên gia tên lửa" của Palestines

>> Những cú đấm của Dagan

>> Chiến dịch Entebbe - giải cứu hơn 100 con tin Israel

>> Chiến dịch loại bỏ loại bỏ “nguy cơ hạt nhân Irắc” từ trứng nước

>> Chiến dịch Opera - Phá hủy lò phản ứng hạt nhân

>> Điệp vụ đánh cắp máy bay MiG-21 của Iraq

>> Chiến dịch cướp tàu tên lửa Pháp tại Cherbourg

>> Chiến dịch ORCHARD phá hủy lò phản ứng hạt nhân Al Kibar của Syria

>> Cuộc chiến 6 ngày 1967 (Israel – Arab)

>> Cuộc chiến Yom Kippur1973 (Israel– Arab)

>> Tung đòn hủy diệt, xóa xổ lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq

>> Chiến dịch đánh cắp hệ thống radar của Ai Cập

>> Chiến dịch giải cứu các phi công của Israel

>> Những chiến dịch tìm diệt của Israel

>> Những điệp vụ trong bóng tối

>> Cái chết bí ẩn của một điệp viên cao cấp Nga